Liên quan đến việc 4000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á huyện Củ Chi, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã gửi công văn khẩn do Phó Chủ tịch UBND ký ngày 2/10/2017 nêu rõ: “Xét đề nghị của Ban chỉ đạo Liên ngành về Vệ sinh An toàn Thực phẩm (ngày 2/10) về xử lý 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á huyện Củ Chi, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo được xác định bị tiêm thuốc an thần”
UBND Thành phố cương quyết:
– Không chấp nhận phương án nuôi nhốt để chờ đào thải hết thuốc rồi đưa vào giết mổ vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ tồn dư thuốc và nguy cơ lây bệnh lở mồm long móng.
– Công khai danh tính của 13 thương lái (chủ lò) vi phạm và có biện pháp quản lý chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn của những thương lái này khi vào địa bàn thành phố trong thời gian tới.
– Số tiền tiêu hủy do các thương lái chi trả.
– Bình ổn thị trường không để thịt heo nâng giá do khan hiếm nguồn cung trong thời gian cơ sở Xuyên Á này ngừng hoạt động.
– Xử lý nghiêm các vi phạm hành chính đối với các thương lái, chủ lò này.
PGS.Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm thành phố gọi những sai phạm này không thể chấp nhận được, là vô nhân tính, âm thầm đầu độc người dân.
Bà Lan bức xúc cho biết: “Vụ việc trên là đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm tới sức khỏe của nhân dân, phải nhờ đến sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công an mật phục điều tra mới có thể phanh phui hành vi phạm tội. Tuy nhiên, nếu chiếu theo các quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ chỉ bị xử phạt hành chính với mức 30 đến 35 triệu đồng. Đây là mức phạt “nhẹ hều”, không nghĩa lý gì so với mức lợi nhuận khổng lồ từ hành vi vi phạm của các gian thương, nếu chỉ xử phạt như vậy, nguy cơ tái diễn sẽ ở mức rất cao”.
“Nếu không tiêu hủy mà để số heo trên được đưa vào giết mổ, cung cấp sản phẩm ra thị trường thì ai dám đứng ra để khẳng định số thịt người dân sử dụng là an toàn. Trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ căn cứ vào việc thử nước tiểu của heo xem có còn dấu vết của thuốc an thần hay không nhưng việc thử nước tiểu chỉ xác định thuốc an thần có còn đào thải qua thận nữa hay không chứ không có ý nghĩa khẳng định lượng tồn dư của thuốc trong thịt của heo đã hết. Nếu chờ đào thải hết thì ít nhất phải mất 2 tuần khi đó thì heo cũng chết vì lở mồm long móng trong quá trình nuôi nhốt”.