Bạn chắc cũng giống như tôi, đôi khi trải qua những ngày cảm thấy “lạc trôi”, không muốn làm bất cứ điều gì trên đời, không còn hứng thú với bất cứ mục tiêu nào mình đang đeo đuổi? Định mở bài ra học thì lại ngó ngó cái điện thoại, lướt lướt Facbook, Tiktok, ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến giờ đi ngủ.
Chớ lo lắng vì đây là nỗi khổ tâm của hầu hết mọi người. Điều quan trọng là:
ĐỪNG TÌM LỐI THOÁT
HÃY CHỌN MỘT LỐI ĐI
Những lối đi ấy là gì? Tôi sẽ dốc ruột chia sẻ ngay trong bài viết này để giúp bạn duy trì động lực khi học tiếng Hàn và biến hành trình học tập trở nên thú vị, hứng khởi hơn.
Sẵn sàng chưa nào?
Nhưng trước hết, tìm hiểu một chút về Động lực nhé
Động lực được tạo nên bởi sự kết hợp của 4 yếu tố sau:
- GIẢM tối đa cảm hứng nhất thời gây xao nhãng, cái bạn thiếu là sự tập trung
- GIẢM tối đa sự trì hoãn, bằng cách đặt ra những mục tiêu ngắn hạn, có khả thi
- TĂNG lòng tin vào kỳ vọng được đặt ra
- TĂNG giá trị của việc đạt mục tiêu
Khi bạn xao nhãng hoặc từ bỏ mục tiêu chinh phục tiếng Hàn, đó là bởi bạn tự cho mình quá nhiều lí do để từ bỏ hơn là lí do để tiếp tục.
Ví dụ:
– Nghỉ 1-2 hôm quên kiến thức làm sao được?
– Lướt tí TikTok tí cho đỡ nhàm chán
– Tranh thủ lúc ăn cơm xem bộ phim chắc không vấn đề gì
Do đó, để giữ vững nguồn động lực, hãy thôi ngay những lý do để bỏ cuộc kia và tăng thêm lý do để tiếp tục theo đuổi mục tiêu.
1. Biến việc học giao tiếng tiếng Hàn thành thói quen
Dù có lập bao mục tiêu đúng đắn, vẽ bao viễn cảnh khả quan, thì sự trì hoãn vẫn “đánh gục” tất cả nếu bạn không nhanh chóng biến việc học tiếng Hàn thành thói quen!
Có mất nhiều thời gian để hình thành thói quen không?
Theo nghiên cứu của Tạp chí Nhà Tâm lý học Châu Âu (European Psychologist), khoảng thời gian đó là 66 ngày.
Như vậy, để có thể biến việc học tiếng Hàn thành thói quen, hãy cố gắng lặp đi lặp lại việc tập trung vào học tiếng bằng các hoạt động dưới đây trong 66 ngày. Nghe thì có vẻ lâu, nhưng chỉ là… 2 tháng thôi mà. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy mình “ăn ngủ” cùng tiếng Hàn như nếp sinh hoạt hàng ngày rồi ấy chứ.
Có nhiều cách để bạn đưa việc học tiếng Hàn vào đời sống của mình đấy. Tôi đã từng có những hoạt động sau:
- Sáng thức dậy: Đọc báo điện tử bằng tiếng Hàn. Một số tờ báo như world.kbs.co.kr hoặc arirang.com, Naver, Daum, Nate
- Trong ngày, bạn có thể hãy thưởng thức những bản nhạc tiếng Hàn, đọc báo tiếng Hàn trên điện thoại.
- Tôi hay thư giãn (trưa hoặc tối) bằng cách xem các talkshow, series truyền hình của Hàn.
- Nếu có thời gian, bạn có thể viết nhật kí bằng tiếng Hàn, hoặc cũng có thể tạo cho mình một blog. Viết status trên trang cá nhân Facebook cũng tốt, điều này giúp bạn phần nào làm quen với việc tư duy bằng tiếng Hàn nhiều hơn
2. Gạt bỏ hết định kiến về học tiếng Hàn
Đúng, điều đầu tiên phải làm là gạt hết những suy nghĩ lệch lạc về học tiếng Hàn.
- Để học giỏi tiếng Hàn, cần phải có năng khiếu – không phải.
- Phải sống trong môi trường Hàn mới giao tiếp tiếng Hàn tốt – đúng nhưng không hoàn toàn như vậy, nó chỉ giúp bạn học nhanh hơn thôi.
- Tự học tiếng Hàn còn lâu mới giỏi bằng những người học trường lớp – quan trọng là sự nỗ lực của bạn, trường lớp chỉ như “động cơ” đẩy bạn đi khi bạn mỏi thôi.
Những ngộ nhận, lầm tưởng về sự khó khăn này chính là mầm mống đầu tiên khiến bạn phát sinh lý do để từ bỏ.
3. Nhớ lại hoặc tạo mới mục tiêu – đảm bảo rõ ràng và khả thi
Mục tiêu phải rõ ràng, không mơ hồ – hãy xác định những chỉ tiêu cần đạt càng cụ thể càng tốt (có số liệu, thời gian, phương pháp…)
Ví dụ: Tôi muốn nói thành thạo 10 chủ đề giao tiếp cơ bản trong vòng 2 tháng.
Mục tiêu thiết lập cần có thời hạn, đo lường được và càng cụ thể thì bạn càng gần hơn với việc đạt được mục tiêu đó.
4. Đánh dấu sự tiến bộ của bản thân để tiếp thêm tự tin
Trong quá trình học tiếng Hàn hãy thường xuyên tự tạo cho mình cơ hội để lập thành tích. Những thành quả nho nhỏ ấy lại là sự cổ vũ đáng kể, tiếp thêm động lực cho bạn và giúp củng cố niềm tin vào chính mình.
Teresa Amabile, giảng viên Đại học Harvard, đồng thời là đồng tác giả cuốn The Progress Principle, gọi đây là “Nguyên tắc tiến bộ”. Nghĩa là, khi bạn chứng kiến bản thân mình có một sự chuyển biến, đi lên dù là nhỏ thì đó chính là yếu tố quan trọng để thúc đẩy động lực.
Muốn đánh dấu được sự tiến bộ của bản thân hàng ngày, không gì tốt hơn lập ra một checklist cụ thể. Không biết bạn đã từng sử dụng checklist chưa, nhưng cá nhân tôi thấy, dấu tick ☑ hoặc ✔ mang đến một sự kích thích khó tả. Nó cho tôi cảm giác: “Yayyyy đã xong – không còn gì dây dưa, vướng bận nữa”. Tôi hay dùng phần mềm Keep của Google, nó tạo Note và Checklist rất tốt.
Bạn cũng nên có hành động ghi nhận bản thân để không cảm thấy chán nản, bất lực mỗi khi gặp khó khăn trong việc học tiếng Hàn
Có 4 bước để tạo Checklist:
Bước 1: Xác định các công việc cần làm mỗi ngày
Bước 2: Liệt kê các bước thực hiện (chi tiết hết sức có thể)
Bước 3: Ghi rõ kết quả cần đạt được trong mỗi bước
Bước 4: Đánh dấu hoàn thành mỗi khi bạn thực hiện xong 1 nhiệm vụ
**Lưu ý:
Checklist rất cần xuất phát từ cá nhân bạn, thực tế của bạn vì không ai khác, chính bạn sẽ là người nhìn lại bản thân mình qua bản kế hoạch chi tiết này.
Vì vậy, hãy thực hiện nguyên tắc 3 KHÔNG dưới đây:
- KHÔNG copy vô tội vạ. Có thể học hỏi hoặc xin tư vấn từ người đã có kinh nghiệm nhưng bản kế hoạch phải là của mình.
- KHÔNG tô vẽ nhiệm vụ hoặc tự đặt ra quá nhiều việc cần làm ngay khi mới bắt đầu.
- KHÔNG so sánh bản thân với bất kỳ ai, kẻo điều này triệt tiêu động lực học tiếng Hàn của bạn.
5. Áp dụng các phương pháp loại bỏ 100% sự xao nhãng
Bạn còn nhớ tôi đã nhắc đến 1 trong 4 nguyên lý cơ bản để duy trì động lực học tiếng Hàn đó là giảm thiểu tối đa các yếu tố “cảm hứng nhất thời” gây xao nhãng không?
Nếu bạn tự học tiếng Hàn và cần một phương pháp triệt tiêu mọi sự mất tập trung, phân tán tinh thần thì thử ngay 3 cách tập trung hiệu quả sau nhé:
5.1. Hẹn giờ hoàn thành công việc với phương pháp Pomodoro:
Phương pháp này có cách hoạt động đơn giản là “làm – nghỉ – làm”. Chính bởi sự đan xen hợp lý này mà Pomodoro là phương pháp cực hiệu quả trong việc giúp ta tập trung hơn vào công việc chính.
Một nghiên cứu của Federal Aviation Administration cho thấy: các quãng nghỉ ngắn xuyên suốt quá trình làm việc gia tăng đến 16% nhận thức và sự tập trung của chúng ta.
Dưới đây là cách áp dụng:
5.2. Quản lý các tác nhân gây xao nhãng:
Xác định các tác nhân khiến bạn mất tập trung, rồi hạn chế sử dụng, quan tâm đến chúng. Ví dụ như:
- Tắt điện thoại, hoặc để chế độ máy bay trong thời gian học tiếng Hàn
- Tắt cả wifi, 3G, 4G nếu cần thiết
- Cất gọn sách, truyện, báo chí trên bàn học ra khỏi tầm mắt
- Lên danh sách việc gây phân tâm để xử lý sau
Bạn có biết, một khi bị xao lãng, ta phải mất trung bình 25 phút để quay trở lại công việc ban đầu? Nhất là việc chuyển sự chú ý từ việc này sang việc khác cũng làm suy giảm sức tập trung.
Vì vậy bất cứ khi nào chợt nghĩ đến một điều không liên quan đến việc học tiếng Hàn, hãy viết nó ra một tờ giấy bên cạnh (hoặc ghi chú vào ứng dụng Evernote), để toàn tâm toàn ý tập trung học, đến khi giải lao sẽ giải quyết sau.
5.3. Hãy học ngay khi năng lượng đang dồi dào
Trong một ngày, bạn sẽ có một hoặc nhiều thời điểm giàu năng lượng nhất. Hãy ưu tiên khoảng thời gian đó cho việc học tiếng Hàn hoặc học/thực hành các kỹ năng khó nhằn nhất. Chính mức năng lượng dồi dào sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác trì trệ khi phải học và hoàn thành việc đó nhanh hơn lúc năng lượng của bạn đi xuống.
5 bí quyết có thể áp dụng được ngay và luôn kể trên đã đủ để bạn tìm lại, đánh thức và “giữ lửa” động lực khi học tiếng Hàn chưa
Nhiều bạn vẫn sẽ chưa cảm thấy thỏa lòng đâu. Nhất là những ai muốn từ bỏ học tiếng Hàn vì lý do thuộc về cảm xúc: Chán, mất hứng, thấy nhàm đến mức không động lực nào cứu nổi
Đúng vậy, là một cựu học sinh chuyên Văn, tôi rất đồng cảm với cảm xúc đó. Vì có nhiều người chỉ có động lực khi họ cảm thấy một nguồn cảm hứng mà thôi. Họ cảm thấy thờ ơ và lãnh đạm khi hướng tới một mục tiêu rất cụ thể đã đặt ra, không chỉ bởi thiếu động lực mà còn thiếu hẳn cảm hứng muốn làm việc đó
Vậy thì đừng ngại nghe tôi chia sẻ tiếp những mẹo “sạc pin” hứng khởi để bơm thêm động lực học tiếng Hàn nhé!